Lưu trữ

Công an huyện Đại Từ: Thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của một số loại tội phạm, vi phạm pháp luật và biện pháp phòng ngừa

Công an huyện Đại Từ: Thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của một số loại tội phạm, vi phạm pháp luật và biện pháp phòng ngừa

Thời gian gần đây tại một số tỉnh, thành trên cả nước trong đó có tỉnh Thái Nguyên, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm công nghệ cao, hoạt động có dấu hiệu lừa đảo bằng các chuyến “du lịch 0 đồng”, hành vi vi phạm liên quan đến pháo nổ, việc sử dụng “bóng cười” gây ảo giác,… có diễn biến khá phức tạp, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Để bảo đảm tình hình an ninh trật tự tại địa phương, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật này, Công an huyện Đại Từ thông báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động và biện pháp phòng ngừa để các cơ quan, đơn vị và nhân dân biêt, chủ động phòng ngừa.

PHƯƠNG THỨC, THỦ ĐOẠN VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG HOẠT ĐỘNG CHO VAY NẶNG LÃI, TÍN DỤNG ĐEN

tín dụng đen

  1. Cho vay nặng lãi

Đối tượng cho vay đa số là những đối tượng có tiền án, tiền sự, tụ tập dưới trướng là bọn đàn em “đầu xanh, đầu đỏ”, là những thanh niên lười lao động, nghịch ngợm, hư hỏng côn đồ, hung hãn, sẵn sàng siết nợ, đòi nợ, hành hung con nợ khi cần thiết.

Thủ đoạn hoạt động chủ yếu của các đối tượng này là: lợi dụng sự thiếu hiểu biết, khó khăn về kinh tế của một bộ phận người dân, những đối tượng cho vay nặng lãi đã tổ chức phát, dán tờ rơi ở các khu dân cư, các chợ, ngã tư, cột đèn,… với những nội dung rất hấp dẫn như: “Cho vay không cần thế chấp, nhận tiền ngay trong ngày” hoặc chỉ cần “Alô là có tiền” kèm theo số điện thoại liên lạc nhằm lừa người dân vay tiền với các thủ tục rất đơn giản, nhanh gọn, có tiền ngay… Nhưng thực chất đó là cái “bẫy” vay tiền với lãi suất cao.

Đối tượng vay thường là những người có kinh tế khó khăn, trình độ thấp, thiếu hiểu biết hoặc là những con bạc, những thanh, thiếu niên, học sinh ham chơi, đua đòi, đôi khi là những người có khó khăn đột xuất,…

Cách cho vay của bọn chúng có thể là vay trực tiếp nhưng cũng có thể đội lốt dưới vỏ bọc là những tiệm cầm đồ, công ty tài chính,… cách đòi nợ là gây áp lực đòi trực tiếp, đôi khi lại đội lốt dưới vỏ bọc là những công ty đòi nợ thuê.

Việc cho vay tiền của bọn chúng không chỉ là cho vay tiền mặt mà còn có thể được ngụy trang dưới nhiều hình thức khác như cầm cố thế chấp tài sản, thế chấp nhà, mua hàng trả góp có giá trị lớn sau đó về bán lại cho chúng,…

Để trốn tránh việc xử lý của pháp luật, thường bọn chúng yêu cầu người vay ghi giấy nợ, giấy thế chấp tài sản,… với lãi suất thấp đúng bằng với quy định của nhà nước, nhưng trên thực tế, người vay phải trả lãi suất rất cao.

Các khoản vay “tín dụng đen” sẽ tăng theo cấp độ “lãi mẹ đẻ lãi con”, sau một thời gian con nợ sẽ khó có khả năng thanh toán. Nếu đến hạn mà người vay không trả tiền thì bọn chúng sẽ kéo đồng bọn đến nhà để đe dọa, thậm chí đánh đập gây thương tích; thường xuyên cho người gọi điện thoại hoặc trực tiếp đến nhà. Nhiều trường hợp đã phải bán nhà để trả nợ hoặc bỏ trốn khỏi địa phương,…

  1. Lừa huy động vốn, vay tiền với lãi suất cao

Thủ đoạn phổ biến của đối tượng vay, huy động tiền, tài sản vẫn là tạo vỏ bọc sang trọng, giàu có, có uy tín trong kinh doanh,… nhằm đánh bóng cho thương hiệu; thường xuyên biếu xén quà cáp, quan tâm đến gia đình người cho vay, hoặc giả làm từ thiện,… để lấy lòng tin của người cho vay, đối tượng trả lãi suất cao đều đặn và uy tín trong thời gian đầu, sau đó vay tiền của người sau trả lãi cho người vay trước theo hình thức vòng quanh. Những đối tượng này tìm cách che đậy mục đích vay tiền và cố gắng thu hút sự tham gia của nhiều người, thu được càng nhiều càng tốt, đến khi lượng tiền vay được đã hết thì đối tượng bỏ trốn hoặc tuyên bố phá sản, vỡ nợ… nhằm trốn tránh pháp luật và người cho vay. Thường các giao dịch này không có hợp đồng cụ thể mà chỉ bằng tờ giấy viết tay hay thậm chí chỉ bằng lời nói nên gây rất nhiều khó khăn cho công tác xử lý khi vụ việc đổ bể.

Trước khi bỏ trốn hoặc tuyên bố vỡ nợ, những đối tượng này tìm mọi cách để tẩu tán hoặc che giấu tài sản đã chiếm đoạt như bán, chuyển nhượng tài sản cho người khác, gửi tiền vào ngân hàng, chuyển tiền ra nước ngoài… chúng tìm cách chiếm đoạt tài sản đến cùng trước, trong và sau khi hành vi phạm tội bị phát giác.

Sau khi vỡ nợ, các chủ nợ (người dân) lo lắng cho tài sản của mình, thường có những hành động quá khích như: tập trung đông người gây mất trật tự công cộng; cưỡng đoạt tài sản để xiết nợ hoặc đập phá nhà cửa của con nợ, … vô tình lại vi phạm pháp luật.

  1. Biện pháp phòng, chống

– Tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở, người thân trong gia đình, nhất là thanh niên, thiếu niên, học sinh về ý thức chấp hành nghiêm pháp luật, không được sa vào tệ nạn cờ bạc, nghiện ma túy, nghiện trò chơi điện tử, ăn chơi, đua đòi; kịp thời báo với nhà trường, với Công an xã, thị trấn để có biện pháp phối hợp quản lý chặt chẽ.

– Khi thấy có các tờ rơi quảng cáo cho vay dán ở khu vực công cộng, xung quanh các hộ dân sinh sống, dán trên cột điện, góc tường, tường rào,… đề nghị bà con xé bỏ hoặc bôi xóa số điện thoại nhằm phòng ngừa không để người khác sập “bẫy” của bọn chúng.

– Cần cảnh giác khi cho người khác vay mượn số tiền lớn. Khi cho vay phải có hợp đồng vay mượn chặt chẽ, tìm hiểu kỹ về nhân thân, mục đích vay, điều kiện kinh tế của họ, đặc biệt là không hám lợi trước những đối tượng hứa hẹn trả lãi suất cao bất thường.

– Khi phát hiện dấu hiệu của tổ chức “tín dụng đen” hoặc những nhóm thanh niên thuê nhà tạm trú trên địa bàn nghi là tay chân của những tổ chức tín dụng này đề nghị nhân dân điện báo ngay cho Công an xã, thị trấn để có biện pháp ngăn chặn, xử lý.

– Khi phát hiện đối tượng vay tiền, huy động vốn có dấu hiệu lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc các đối tượng cho vay có các hành vi chửi bới, đe dọa, tạt sơn hoặc các chất dơ bẩn vào cổng, cửa, đánh đập, khủng bố tinh thần, đập phá tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản của nạn nhân,… thì kịp thời, chủ động báo lực lượng Công an địa phương hoặc trực ban Công an huyện Đại Từ (Số điện thoại: 02083.824.201) để kịp thời xử lý, giải quyết theo quy định.

NHẬN DIỆN SỰ NGUY HIỂM CỦA BÓNG CƯỜI

images881706_anh_3

Bóng cười hay còn được gọi với tên Funkyball là một trong những trào lưu đang được giới trẻ ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam thịnh hành nhất hiện nay, họ coi đây là một thú vui dùng để xả stress.

Bóng cười không phải là một loại thuốc hay trò chơi nó thực chất chỉ là những quả bóng bay bình thường nhưng được bơm thêm khí Nitrous oxide. Bóng được người bán bơm khí ga bằng một dụng cụ bơm chuyên dụng, sau đó người mua sẽ cầm bóng để hít hà, khí hết cũng là lúc quả bóng lép xẹp. Khí nitrous oxide lan tỏa, ngấm vào cơ thể sẽ tạo cảm giác phấn khích, tạo ảo giác gây cười cho người sử dụng.

Gọi là bóng cười vì quả bóng này không có tác dụng nào khác ngoài khả năng gây cười, cười nhiều và cười lâu. Chỉ cần hít hà, người hít nhanh chóng cười, cười và cười không kiểm soát. Sở dĩ giới trẻ thích vì loại “bóng cười” này không khác một loại ma túy cấp độ nhẹ. Khi sử dụng sẽ tạo cảm giác khoan khoái khác thường, tinh thần phấn chấn, yêu đời và tạo ra nhiều ảo giác gây phấn khích.

Trông vẻ về ngoài quả bóng này không có gì khác so với những quả bóng bình thường nhưng nó lại ẩn chứa nhiều mối nguy hại. Những tràng cười sảng khoái cứ thế tuôn ra mà chính người dùng cũng không thể kiểm soát được, họ hoàn toàn chìm đắm trong ảo giác, những đê mê về mọi thứ xung quanh. Bác sĩ khuyến cáo giới trẻ không nên sử dụng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh người sử dụng, hệ tim mạch mà nặng hơn là không kiểm soát được bản thân, trầm cảm dẫn đến thiệt mạng.

Dù ở địa bàn huyện Đại Từ chưa xuất hiện tình trạng mua bán, sử dụng bóng cười và hiện vẫn chưa có văn bản chính thức cấm việc sử dụng bóng cười song chúng ta cần có thể thấy được mức độ nguy hiểm của việc sử dụng chất kích thích này để phòng ngừa.

Cần sáng suốt khi chọn những thú chơi có ích và không ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân mình!

CẢNH GIÁC CÁC CHUYẾN DU LỊCH “0 ĐỒNG”

vnkd02

  1. PHƯƠNG THỨC, THỦ ĐOẠN

Núp bóng bằng hình thức tổ chức các chuyến tham quan, du lịch khám phá các khu di tích lịch sử…, đối tượng mà tour du lịch “0 đồng” này nhắm đến là những người trung tuổi, trong đó có cựu chiến binh, hội viên người cao tuổi, hội viên phụ nữ,… ở các vùng nông thôn, miền núi, những người ít cập nhật thông tin và không đề phòng cảnh giác với những hành vi lôi kéo, dụ dỗ.

Để mời chào người dân tham gia tour này, nhân viên công ty du lịch thường tuyên truyền đây là chương trình tri ân những người có công với cách mạng, quảng cáo giới thiệu sản phẩm và tìm hiểu lịch sử, văn hóa của dân tộc…, khách hàng không phải đóng góp bất cứ khoản tiền nào. Tuy nhiên, nhân viên công ty du lịch thường vẫn “nhắc nhở” các khách hàng mang theo tiền để mua quà lưu niệm, đặc sản vùng miền.

Trong quá trình dẫn tour, đối tượng tổ chức tour du lịch liên tục quảng cáo, bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc với giá cao hơn nhiều lần so với giá thị trường cho người tham gia. Thường thì đó là các sản phẩm đồ gia dụng như: xoong nồi, chảo, đèn pin, dao, thớt, quần áo, thuốc bổ,… Các sản phẩm được nhân viên kiểm tra và cho dùng thử tại chỗ để thu hút người các khách du lịch hơn. Đối với những người mua sản phẩm với hóa đơn trên 2 triệu đồng sẽ được tặng một phiếu tri ân là một chuyến du lịch miễn phí khác. Người nào không mang tiền sẽ có chính sách “vay nợ” hoặc cho phép đặt cọc một số tiền nhất định “làm tin”…

Nhiều người ban đầu không tin, không có ý định mua hàng nhưng sau đó “mềm lòng” vì các nhân viên tiếp cận từng người một để chèo kéo, nài nỉ. Với các “độc chiêu” lôi kéo dụ dỗ tinh vi và đánh vào tâm lý ham rẻ của nhiều người, các tour “du lịch 0 đồng” này đã khiến các khách hàng của mình phải “nhả tiền” ra để mua các sản phẩm kém chất lượng. Chỉ cho đến khi về nhà, đưa sản phẩm vào sử dụng hoặc kiểm tra giá các sản phẩm tương tự, người mua mới biết mình đã bị rơi vào bẫy.

2. PHÒNG NGỪA

1. Các tổ chức đoàn thể cần hướng dẫn đoàn viên, hội viên, người dân cần sáng suốt lựa chọn sản phẩm, chương trình du lịch của các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, hoạt động kinh doanh có uy tín, đầy đủ thông tin pháp nhân, điều kiện kinh doanh lữ hành theo quy định.

2. Trong trường hợp phát hiện các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động du lịch có hành vi vi phạm quy định pháp luật, người dân cần kịp thời thông tin với các cơ quan chức năng, các địa phương để phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm.

PHƯƠNG THỨC, THỦ ĐOẠN VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM CÔNG NGHỆ CAO

toi-pham-cong-nghe-cao

Qua nghiên cứu thực tiễn công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản tại nhiều địa phương trong thời gian vừa qua, Công an huyện Đại Từ thông báo một số phương thức, thủ đoạn phổ biến của loại tội phạm này và cách phòng ngừa như sau:

I/PHƯƠNG THỨC, THỦ ĐOẠN

1. Các đối tượng sử dụng công nghệ cao lấy cắp quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội (hack tài khoản Facebook, Zalo…). Sau đó nhắn tin liên hệ với những người trong danh bạ đề nghị nạp thẻ điện thoại, xin tiền, vay tiền hoặc nhờ chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt số tiền này.

2. Các đối tượng lập các tài khoản mạng xã hội đăng thông tin rao bán hàng hóa (chủ yếu là xe máy, điện thoại di động, quần áo…) với giá thấp hơn giá thị trường. Khi nạn nhân hỏi mua thì đối tượng yêu cầu nạn nhân gửi trước một số tiền vào tài khoản ngân hàng hoặc mua thẻ nạp điện thoại gửi cho đối tượng. Sau khi nạn nhân đã gửi tiền thì đối tượng không giao hàng và cắt mọi liên lạc.

3. Các đối tượng tìm hiểu nắm được thông tin về nạn nhân như tên tuổi, số điện thoại, tài khoản ngân hàng… Sau đó gọi đến số điện thoại của nạn nhân, tự nhận là cán bộ công an, kiểm sát, thanh tra… đang thụ lý vụ việc có liên quan đến nạn nhân. Các đối tượng khai thác thông tin tài khoản tiền gửi của nạn nhânhoặc yêu cầu nạn nhân chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản của mình sang một tài khoản ngân hàng khác để phục vụ quá trình điều tra, nếu không có liên quan thì sẽ trả lại và yêu cầu họ không được nói cho người thân biết. Sau khi nạn nhân đã cung cấp thông tin tài khoản tiền gửi hoặc chuyển tiền cho đối tượng, đối tượng chiếm đoạt tiền và cắt mọi liên lạc.

4. Các đối tượng nhằm vào những người bán hàng qua mạng xã hội. Sau khi đặt mua hàng, đối tượng đề nghị thanh toán bằng phương thức chuyển khoản. Yêu cầu nạn nhân click vào đường link do đối tượng gửi để nhận tiền. Quá trình thao tác, đối tượng tiếp tục đề nghị nạn nhân cung cấp mã OTP để nhận tiền nhưng thực chất đối tượng đã sử dụng mã OTP đó để chiếm đoạt số tiền trong tài khoản của nạn nhân.

5. Các đối tượng vào website của ngân hàng tìm kiếm các tài khoản của khách hàng đang được giải ngân mà không sử dụng dịch vụ internet banking để tìm cách truy cập vào tài khoản, làm thủ tục đăng ký sử dụng dịch vụ. Sau đó, đối tượng giả danh nhân viên ngân hànggọi điện cho chủ tài khoản yêu cầu gửi mã OTP để thực hiện việc giải ngân vốn vay. Khi đó, đối tượng dùng mật khẩu đó để đăng nhập và chuyển tiền sang tài khoản của chúng.

II/ BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA

1. Khi nhận được các cuộc gọi lạ có dấu hiệu nghi vấn (thường xưng là nhân viên viễn thông, cán bộ cơ quan bảo vệ pháp luật,…), người dân cần bình tĩnh không nên làm theo yêu cầu hoặc làm theo dẫn dụ bấm các phím số trên máy điện thoại. Đặc biệt không chuyển tiền vào các tài khoản khác theo yêu cầu của người lạ.

2. Thông báo ngay cho lực lượng Công an địa phương hoặc trực ban Công an huyện Đại Từ (Số điện thoại: 02083.824.201) để cùng phối hợp giải quyết, không nên tự xử lý sẽ sập bẫy kịch bản lừa đảo của bọn tội phạm hoặc có những hành vi quá khích vi phạm pháp luật.

XỬ LÝ VI PHẠM LIÊN QUAN ĐẾN PHÁO NỔ

 chong-phao-lau-danh-quyet-liet-phong-chat-che-31-.1655

“Pháo nổ” là loại sản phẩm có chứa thuốc pháo được chế tạo bằng các công nghệ khác nhau không phân biệt xuất xứ và nơi sản xuất, khi có tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện gây nên tiếng nổ; “Sử dụng trái phép pháo nổ” là hành vi: đốt, ném, đập, phóng, phụt hoặc dùng bất cứ hình thức nào khác gây nổ pháo.

Người sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép thì tùy thuộc vào mức độ thực tế thì sẽ bị xử phạt hành chính cho tới truy cứu trách nhiệm hình sự.

I/ VỀ XỬ LÝ HÀNH CHÍNH

Căn cứ theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, bạo lực gia đình quy định:

  1. Phạt tiền từ 1.000.000 VNĐ đến 2.000.000 VNĐ đối với hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép quy định tại điểm b khoản 2 điều 10 Nghị định này.
  2. Phạt tiền từ 5.000.000 VNĐ đến 10.000.000 VNĐ đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm quy định tại điểm d khoản 4 điều 10 Nghị định này.
  3. Phạt tiền từ 20.000.000 VNĐ đến 40.000.000 VNĐ đối với hành vi mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép vũ khí, súng săn, công cụ hỗ trợ, các loại pháo và đồ chơi nguy hiểm quy định tại điểm b khoản 6 điều 10 Nghị định này.
  4. Bên cạnh hình thức phạt tiền, thì còn có hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

II/ VỀ XỬ LÝ HÌNH SỰ

Khi xét thấy hành vi mua bán, sử dụng, tàng trữ pháo nổ mang tính chất nguy hiểm cho xã hội, người có hành vi vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ Luật Hình sự và Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC Hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo.

1. Người nào đốt pháo nổ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “gây rối trật tự công cộng” theo khoản 1, Điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015, bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Đốt pháo nổ ở nơi công cộng, những nơi đang diễn ra các cuộc họp, những nơi tập trung đông người;

b) Đốt pháo nổ ném ra đường, ném vào người khác, ném vào phương tiện khác đang lưu thông, ném từ trên cao xuống, đốt pháo nổ mang theo xe đang chạy;

c) Đốt pháo nổ gây thiệt hại sức khỏe, tài sản của người khác nhưng mức độ thiệt hại chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội khác;

d) Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 1kg đến dưới 5 kg đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương từ 0,1 kg đến dưới 0,5 kg đối với thuốc pháo;

e) Đốt pháo nổ với số lượng dưới 1 kg pháo thành phẩm hoặc dưới 0,1 kg đối với thuốc pháo và đã bị xử lý hành chính về hành vi đốt pháo nổ hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Người nào đốt pháo nổ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, Điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đã bị kết án về tội “gây rối trật tự công cộng” theo mục 1 phần II Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC:

b) Lôi kéo, kích động trẻ em hoặc lôi kéo, kích động nhiều người cùng đốt pháo;

c) Cản trở, hành hung người can ngăn (gồm người thi hành công vụ, người bảo vệ trật tự công cộng hoặc người khác ngăn chặn không cho đốt pháo nổ);

d) Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 5kg trở lên đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương từ 0,5 kg thuốc pháo trở lên.

Việc sử dụng pháo nổ mà gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người khác thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh “Gây rối trật tự công cộng” với khung hình phạt như trên mà còn bị truy cứu về tội danh khác theo quy định tại Bộ luật Hình sự tương xứng với hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác do hành vi đốt pháo gây ra.

3. Người nào có hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “sản xuất, buôn bán hàng cấm” quy định tại Điều 190 Bộ luật hình sự năm 2015:

– Bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;

– Bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 nămđối với hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổtừ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;

– Bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm đối với hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 120 kilôgam trở lên;

4. Người nào tàng trữ, vận chuyển pháo nổ thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “tàng trữ, vận chuyển hàng cấm” quy định tại Điều 191 Bộ luật hình sự năm 2015:

– Bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;

– Bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 nămđối với hành vi tàng trữ, vận chuyển pháo nổtừ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;

– Bị phạt tù từ 05 năm đến 10 nămđối với hành vi tàng trữ, vận chuyển pháo nổ từ 120 kilôgam trở lên;

 

 

 

TIN LIEN QUAN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Read also x