Lưu trữ

“Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” trên không gian mạng

“Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” trên không gian mạng

Nhận định về cuộc chiến tại Ukraine, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, cho rằng cuộc chiến này đang đặt ra những thách thức mới chưa có tiền lệ trong quan hệ quốc tế. Việt Nam cần phải chủ động dự đoán tình hình, nghiên cứu, phân tích các thách thức mà Việt Nam có thể phải đối mặt trong thời gian tới để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Cũng giống như Ukraine, Việt Nam nằm ở một vị trí địa chiến lược quan trọng, nhạy cảm, có nhiều tài nguyên thiên nhiên, là nơi tranh giành ảnh hưởng của nhiều cường quốc trên thế giới. Trong quá khứ, Việt Nam đã từng trở thành địa bàn để một số nước lớn lợi dụng gây nên các cuộc chiến tranh trong suốt một thời gian dài. Người dân Việt Nam hiểu rất rõ điều này và không muốn để điều này xảy ra thêm một lần nữa.

Cách đây đúng 10 năm Việt Nam đã ban hành “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mình mới”, một trong hai chiến lược cơ bản, quan trọng hàng đầu của đất nước. Ngày 25/7/2018, Nghị quyết về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng” và Nghị quyết về “Chiến lược An ninh mạng quốc gia” cũng được ban hành, cho thấy tầm nhìn xa của lãnh đạo Việt Nam trong bối cảnh tình hình thế giới và cả trên không gian mạngdiễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, đặt ra những thách thức mới đối với hòa bình, ổn định trên thế giới, đe dọa độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhiều nước, nhất là nước đang nhỏ đang phát triển.

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây công nghệ thông tin và mạng xã hội phát triển với tốc độ nhanh chưa từng có. Tỉ lệ người dùng mạng xã hội ở nước ta thuộc loại cao nhất trên thế giới. Hàng ngày người Việt Nam dùng rất nhiều thời gian truy cập vào các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, YouTube, Zalo. Bên cạnh những tiện ích to lớn, mạng xã hội cũng tiềm ẩn rất nhiều mặt tiêu cực, nguy cơ, thách thức đối với cá nhân người dùng cũng như tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước.

Suốt mấy tuần qua, cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine đang thu hút sự quan tâm liên tục và sâu sắc của cộng đồng mạng trong nước. Rất nhiều thông tin, hình ảnh, bài viết, bình luận từ đủ mọi góc độ, đủ mọi tầng lớp trong xã hội. Bên cạnh những thông tin, bình luận khách quan, cũng có rất nhiều thông tin, hình ảnh không đúng sự thật, chưa được kiểm chứng và những bình luận mang nặng tính chủ quan, suy diễn. Những thế lực chống phá, phấn tử cơ hội, bất mãn và một số trang mạng bằng tiếng Việt của báo chí nước ngoài đã không bỏ qua cơ hội này để tung những thông tin, bình luận xuyên tạc về tình hình tại Ukraine, về quan điểm của Nhà nước Việt Nam đối với cuộc chiến tại Ukraine, về chính sách “3 không” trong đối ngoại quốc phòng của Việt Nam… làm nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội, làm cho tình hình càng thêm phức tạp. Một số người sử dụng mạng xã hội bị cuốn theo những thông tin trên cũng đưa ra các bình luận tiêu cực, kích động hận thù, ảnh hưởng không tốt đến quan hệ giữa Việt Nam với một số nước liên quan đến cuộc chiến, gây bất lợi cho đường lối đối ngoại hòa bình của Việt Nam, chủ trương bảo vệ đất nước theo tinh thần của “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mình mới”.

Một điều dễ nhận thấy là so với tốc độ phát triển của mạng xã hội thì nhận thức và ý thức trách nhiệm  của không ít người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam còn chưa tương xứng. Trước ma trận của thông tin trên mạng, nhiều cư dân mạng cảm thấy hoang mang, lúng túng, không phấn biệt được thật-giả, dễ sa vào bẫy thông tin của các đối tượng xấu, trở thành công cụ tiếp tay cho các luồng thông tin có hại. Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là nhiệm vụ quan trọng  hàng đầu. Đó không chỉ là nhiệm vụ của các vị lãnh đạo đất nước, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức Đảng và Nhà nước, các tổ chức chính trị -xã hội, mà là nhiệm vụ của toàn dân, trong đó có những người sử dụng mạng xã hội. Những bài học đắt giá từ cuộc chiến Ukraine và trận chiến thông tin trên mạng xã hội cho thấy mỗi cư dân mạng phải tự mình nâng tầm hiểu biết về mạng xã hội, về cách nhận biết, tiếp nhận thông tin, cách tự vệ, “miễn dịch” trước những thông tin giả, độc hại. Trở thành “người sử dụng mạng xã hội thông thái” cũng chính là góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa một cách hiệu quả.

TIN LIEN QUAN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Read also x