Công bố Quyết định điều động Phó Trưởng Công an huyện Đại Từ

Chiều ngày 29/8/2022, tại trụ sở Công an huyện Đại Từ, Công an tỉnh Thái nguyên tổ chức Lễ công bố Quyết định của Giám đốc Công an tỉnh về công tác cán bộ.

Tới tham dự buổi lễ có đồng chí Thượng tá Phan Văn Bé, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên; đồng chí Thượng tá Trần Minh Cường, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an huyện Đại Từ và các đồng chí là đại diện lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Tham mưu Công an tỉnh Thái Nguyên; chỉ huy các đội công tác, Trưởng Công an các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đại Từ.

Thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh, đồng chí Thượng tá Phan Văn Bé công bố Quyết định điều động đồng chí Thượng tá Lê Tiến Sơn, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an tỉnh Thái Nguyên đến nhận công tác và giữ chức vụ Phó Trưởng Công an huyện Đại Từ.

Đồng chí Thượng tá Phan Văn Bé và lãnh đạo Công an huyện Đại Từ chúc mừng đồng chí Thượng tá Lê Tiến Sơn

Tại Lễ công bố, đồng chí Thượng tá Lê Tiến Sơn phát biểu: Trên cương vị mới, đồng chí sẽ phát huy hơn nữa năng lực, sở trường, kinh nghiệm; khẩn trương tiếp tục công việc mới, nhiệm vụ mới, cùng tập thể Đảng ủy, lãnh đạo Công an huyện chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của đơn vị trong thời gian tới./.

Lê Anh Phương

Hội nghị triển khai Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thi hành

Ngày 18 tháng 8 năm 2022, UBND huyện Đại Từ đã tổ chức Hội nghị Triển khai Luật phòng, chống ma tuý và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tham dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Trần Đăng Minh – Phó Chủ tịch UBND huyện cùng hơn 100 đại biểu là các đồng chí Lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ trực tiếp làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma tuý – Công an huyện; Lãnh đạo và chuyên viên Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện; đại diện Lãnh đạo các cơ quan Phòng Tài chính – Kế hoạch, Phòng Y tế, Bệnh viện Đa khoa huyện; Trung tâm Y tế huyện, Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện và Toà án nhân dân huyện; Chủ tịch UBND, Trưởng Công an và Trạm trưởng Trạm Y tế các xã,  thị trấn.

Đồng chí Trần Đăng Minh – Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Thượng tá Trần Minh Cường, Trưởng Công an huyện triển khai các nội dung cơ bản của Luật phòng, chống ma tuý và các văn bản hướng dẫn thi hành bao gồm: Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý; Nghị định số 109/NĐ-CP ngày 08/12/2022 quy định cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma tuý và hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma tuý; Nghị định số 116/NĐ-CP ngày 21/12/2021 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý, Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện ma tuý.

Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, đồng chí Trần Minh Cường đã hướng dẫn UBND, Công an các xã, thị trấn phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đồng thời thống nhất nhận thức trong công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý trên địa bàn huyện Đại Từ.

Đồng chí Thượng tá Trần Minh Cường – Trưởng Công an huyện triển khai Luật phòng, chống ma tuý và các văn bản hướng dẫn thi hành

Kết luận Hội nghị, Lãnh đạo UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành có liên quan; các xã, thị trấn khẩn trương triển khai thực hiện nội dung Luật Phòng, chống ma tuý và các văn bản hướng dẫn thi hành; tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác rà soát người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý đồng thời tập trung lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu được giao về công tác cai nghiện trong năm 2022./.

Trần Thị Ánh

Công an huyện Đại Từ tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 – 20/7/2022)

Là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tổ chức của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, từ khi ra đời đến nay, lực lượng Cảnh sát nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước, Bác Hồ và ngành Công an chăm lo xây dựng, giáo dục rèn luyện, được Nhân dân tin yêu đùm bọc, không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân, ngày 19/7/2022, Đảng ủy, lãnh đạo Công an huyện Đại Từ đã tổ chức chuỗi các hoạt động nhằm tôn vinh những truyền thống vẻ vang, những chiến công to lớn của lực lượng Cảnh sát nhân dân nói chung và lực lượng Công an huyện Đại Từ nói riêng.

Sáng ngày 19/7/2022, tại Khu di tích lịch sử quốc gia 27/7, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Công an huyện Đại Từ tổ chức Lễ dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sỹ đối với dân tộc Việt Nam, đồng thời báo công với Bác về những thành tích mà tập thể Công an huyện đã đạt được trong suốt 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Đoàn dâng hương do đồng chí Thượng tá Trần Minh Cường – Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an huyện làm trưởng đoàn, cùng tập thể lãnh đạo Công an huyện, chỉ huy các đội công tác và các đồng chí là cán bộ, chiến sỹ Công an huyện tham gia.

Cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Đại Từ dâng hương, báo công Bác và các anh hùng liệt sỹ tại Khu di tích 27/7

Ngay sau Lễ dâng hương, Công an huyện Đại Từ long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 – 20/7/2022) nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang, những chiến công to lớn của lực lượng Cảnh sát nhân dân qua 60 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành. Tại buổi Lễ, đồng chí Thượng tá Trần Minh Cường – Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an huyện đã ghi nhận những công lao, cống hiến của tập thể cán bộ, chiến sỹ Công an huyện trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Đồng thời, đồng chí cũng mong muốn mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an huyện tiếp tục nêu cao tinh thần “Chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân; đoàn kết, siết chặt đội ngũ, nỗ lực phấn đấu vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiện vụ giữ vững an ninh – trật tự trong tình hình mới; lực lượng Cảnh sát huyện Đại Từ luôn xứng đáng với truyền thống “Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước vì dân, quên thân phục vụ”.

Đồng chí Thượng tá Trần Minh Cường – Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an huyện phát biểu tại buổi lễ

Cũng trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân, chiều ngày 19/7/2022, đồng chí Thượng tá Trần Minh Cường – Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an huyện cùng đại diện các đội công tác, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Công an huyện và đại diện Công an xã Mỹ Yên đã trao tặng Sổ tiết kiệm cho 2 con của đồng chí Thiếu tá Lê Tuấn Hồng – nguyên Phó Trưởng Công an xã Mỹ Yên (từ trần ngày 07/5/2022) tại nhà riêng của đồng chí.

Đồng chí Thượng tá Trần Minh Cường – Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an huyện trao tặng sổ tiết kiệm cho 02 con của đồng chí Thiếu tá Lê Tuấn Hồng – nguyên Phó Trưởng Công an xã Mỹ Yên

Tại buổi trao tặng, lãnh đạo Công an huyện Đại Từ đã thăm hỏi sức khỏe, động viên gia đình vượt qua mất mát và trao tặng 2 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 20 triệu đồng cho 2 con của đồng chí Hồng, mong các cháu vượt qua khó khăn, học tập tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi./.

Lê Anh Phương

Kết quả triển khai tháng cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn ma tuý của Công an huyện Đại Từ năm 2022

Hưởng ứng tháng hành động phòng, chống ma tuý năm 2022, thực hiện chỉ đạo của đồng chí Giám đốc Công an tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, Công an huyện đã xây dựng kế hoạch cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và tệ nạn ma tuý trong đó chỉ đạo các đội nghiệp vụ, Công an các xã, thị trấn tăng cường thực hiện công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma tuý theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Kết quả, qua 01 tháng triển khai thực hiện đợt cao điểm, Công an huyện đã bắt giữ, xử lý 21 vụ, 23 đối tượng về hành vi tàng trữ, mua bán trái phép chất ma tuý, thu giữ 48,509 g heroin, 21,569g ma tuý tổng hợp và một số vật chức khác có liên quan. Khởi tố 07 vụ, 07 bị can kết luận điều tra, tiếp tục xác minh 17 vụ, 19 đối tượng; chuyển Viện kiểm sát nhân dân huyện Đại Từ đề nghị truy tố 13 vụ, 17 đối tượng phạm các tội về ma tuý. Song song với công tác đấu tranh, triệt phá, Công an huyện tiếp tục triển khai các biện pháp tăng cường công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý trên địa bàn; Phối hợp với Đoàn thanh niên thị trấn Hùng Sơn tổ chức 01 buổi tuyên truyền lưu động dọc tuyến Quốc lộ 37 và các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn; phối với UBND các xã, thị trấn tổ chức 02 buổi tuyên truyền, phòng chống tội phạm và tệ nạn ma tuý, thu hút khoảng 200 quần chúng nhân dân tham dự; tổ chức tuyên truyền hơn 300 lượt trên loa phát thanh tại các thôn, xóm, tổ dân phố…

Thời gian tới, Công an huyện tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp, tấn công, trấn áp mạnh các loại tội phạm nói chung và tội phạm ma tuý nói riêng. Công an huyện rất mong nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp và sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể cùng toàn thể quần chúng Nhân dân trên địa bàn nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Công an huyện Đại Từ: Tọa đàm “Xây dựng gia đình hạnh phúc bền vũng là mục tiêu, động lực của sự phát triển bền vững của đất nước”

Tối ngày 04/7/2022, Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ Công an huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm “Xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững là mục tiêu, động lực của sự phát triển bền vững”. Tham dự buổi tọa đàm có đồng chí Trung tá Nguyễn Thị Thúy Linh – Chủ tịch hội Phụ nữ Công an tỉnh Thái Nguyên; đồng chí Dương Thị Thanh Luyến – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, đồng chí Hoàng Thị Phương – Phó Bí thư Huyện đoàn Đại Từ; đồng chí Thượng tá Trần Minh Cường – Ủy viên BTV Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an huyện, các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy trong đơn vị và toàn thể đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ Công an huyện Đại Từ.

Từ xưa đến nay, gia đình luôn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Đối với lực lượng Công an nhân dân, gia đình cán bộ, chiến sỹ có vai trò quan trọng góp phần giúp Công an các cấp thực hiện tốt hơn vai trò nòng cốt trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đối ngoại của đất nước.

Tại cuộc Tọa đàm, các đại biểu đã phát biểu, tham luận nhằm tập trung làm rõ, sâu sắc hơn một số vấn đề như: Đánh giá sâu về thực trạng, ưu điểm, tồn tại trong xây dựng hạnh phúc gia đình, nguyên nhân của những tồn tại đó, những vấn đề tác động đến việc xây dựng gia đình cán bộ, chiến sỹ hạnh phúc bền vững hiện nay. Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, kỹ năng ứng xử gia đình, giải quyết các mối quan hệ giữa các thành viên, phát huy vai trò của cán bộ, chiến sỹ trong xây dựng gia đình hạnh phúc. Bên cạnh đó, đưa ra những kiến nghị, đề xuất những giải pháp khả thi giúp cho mỗi đoàn viên, hội viên, cán bộ, chiến sỹ Công an xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Cũng tại buổi toạ đàm, nhằm đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Bộ Công an đối với công tác kết hôn, Ban Tổ chức đã tổ chức phần thi trả lời các câu hỏi với nội dung là những quy định, trình tự, thủ tục kết hôn, qua đó giúp cán bộ, chiến sỹ tìm hiểu, nắm rõ những quy định của Bộ Công an đối với công tác kết hôn.

Các đồng chí cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Đại Từ tích cực trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong buổi tọa đàm

Phát biểu tại buổi tọa đàm, các đồng chí đại biểu, khách mời, lãnh đạo đơn vị cũng đã có những ý kiến, chia sẻ sâu sắc, thiết thực về những kinh nghiệm của bản thân đối với việc xây dựng gia đình bền vững.

Các đồng chí đại biểu, khách mời chia sẻ tại buổi tọa đàm

Đây là hoạt động sinh hoạt chính trị có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, thể hiện được sự đổi mới, sáng tạo về hình thức, nội dung sinh hoạt trong công tác Đoàn, Hội thu hút được đông đảo hội viên, đoàn viên hưởng ứng. Qua buổi toạ đàm góp phần lan toả những thông điệp có ý nghĩa về mái ấm gia đình Việt Nam, đồng thời trang bị thêm cho các đồng chí hội viên, đoàn viên trong khối những kinh nghiệm, kỹ năng cơ bản để xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc./.

Trần Thu Trang

Xây dựng và nhân rộng mô hình “Camera giám sát bảo đảm ANTT” trên địa bàn huyện Đại Từ

Thời gian qua, công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn huyện Đại Từ luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng với vai trò tham mưu nòng cốt của lực lượng Công an, đã góp phần tích cực trong công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) với nhiều mô hình điển hình được xây dựng, nhân rộng; đặc biệt là ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào các mô hình phòng, chống tội phạm, tiêu biểu như mô hình “Camera giám sát, đảm bảo an ninh trật tự” đã phát huy tác dụng tốt, phục vụ có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Quá trình triển khai xây dựng mô hình được tiến hành theo từng bước chặt chẽ, vừa vận động kinh phí xã hội hóa kết hợp tổ chức tuyên truyền để quần chúng nhân dân thấy được lợi ích, hiệu quả mà mô hình gắn liền với việc công khai, thông báo thường xuyên từng cá nhân, tổ chức đóng góp kinh phí đã tạo sự tin tưởng và tích cực tham gia đóng góp kinh phí xây dựng mô hình. Với quyết tâm, nỗ lực triển khai và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, ngày 15/10/2021, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc huyện Đại Từ đã tổ chức Hội nghị ra mắt mô hình “Camera giám sát, bảo đảm ANTT” tại Công an huyện với kinh phí xây dựng do các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân huyện Đại Từ đóng góp, hiện 60/60 mắt camera đã hoàn thiện lắp đặt, kết nối hình ảnh về Trung tâm điều hành đặt tại Công an huyện Đại Từ, hoàn thành các nội dung của giai đoạn 1 theo kế hoạch đề ra. Ngay sau khi mô hình được ra mắt, Công an các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tham mưu cho Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo cùng cấp ban hành các Nghị quyết, Kế hoạch tổ chức xây dựng mô hình “Camera giám sát, bảo đảm an ninh, trật tự”, tổ chức tuyên truyền vận động kinh phí đóng góp ngoài xã hội để xây dựng mô hình. Với sự nỗ lực của Ban chỉ đạo các xã thị trấn, sự quan tâm, ủng hộ của quần chúng nhân dân nhất là công tác tuyên truyền về hiệu quả mà mô hình mang lại, đến nay 10/30 xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện Đại Từ đã triển khai và đưa vào hoạt động hiệu quả với 159 mắt camera.

Mô hình “Camera giám sát, đảm bảo an ninh trật tự” là minh chứng hiệu quả của việc sử dụng khoa học công nghệ hỗ trợ lực lượng Công an trong quản lý địa bàn. Việc xây dựng và khai thác, sử dụng hệ thống camera an ninh trên địa bàn huyện Đại Từ bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, dữ liệu camera giúp các lực lượng chức năng nhận định, đánh gia đúng về đối tượng, xử lý chính xác các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng hay các hành vi vi phạm đảm bảo vệ sinh môi trường (Từ ngày 15/10/2021, thông qua theo dõi, truy xuất dữ liệu hình ảnh camera, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện Đại Từ đã tiến hành nhắc nhở 515 trường hợp phương tiện giao thông dừng đỗ sai quy định, gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng; lập biên bản, xử lý 56 trường hợp, thu nộp ngân sách Nhà nước 50.400.000đ; hỗ trợ cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện điều tra, truy xét một số vụ án hình sự xảy ra trên địa bàn huyện, điển hình đã phối hợp, hỗ trợ Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy phá thành công Chuyên án đấu tranh, phòng chống tội phạm đe dọa giết người trên địa bàn huyện, được lãnh đạo các cấp ghi nhận và đánh giá cao).

Camera an ninh cũng góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Thực tế, ở những nơi có lắp đặt camera đã có tác động không nhỏ đến người tham gia giao thông, giúp họ tự giác chấp hành nghiêm Luật giao thông hơn khi biết mình có thể bị phát hiện và xử lý bất cứ lúc nào nếu vi phạm. Ngoài ra đối với tình trạng thanh thiếu niên lạng lách, đánh võng, chở quá số người quy định, tình trạng xả rác bừa bãi, xả rác trộm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường cũng được kiềm chế. Đối với các đối tượng hình sự, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp vặt; một số tụ, điểm các đối tượng nghiệm ma túy thường xuyên lui tới để tiêm chích, sử dụng trái phép chất ma túy… việc lắp đặt camera giám sát cũng làm các phần tử này bị tác động tâm lý, không dám manh động hoặc từ bỏ hành vi vi phạm pháp luật khi nhìn thấy có camera vì lo sợ hành vi của mình có thể bị ghi lại.

Đồng chí Thượng tá Đặng Anh Đào – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng Công an huyện cho cho biết: những kết quả bước đầu của việc xã hội hóa công tác lắp đặt camera an ninh là động lực quan trọng, là cơ sở để Công an huyện Đại Từ tiếp tục nhân rộng, triển khai phủ kín camera trên toàn địa bàn huyện; tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác đảm bảo ANTT. Để phát huy hiệu quả mô hình “Camera giám sát, đảm bảo ANTT” và triển khai thực hiện các nội dung của giai đoạn 2, Công an huyện Đại Từ tiếp tục phối hợp với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả, lợi ích của hệ thống camera giám sát an ninh, từ đó vận động các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân tiếp tục đồng hành và ủng hộ cùng lực lượng Công an trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ bình yên cuộc sống.

Có thể nói, việc xây dựng và nhân rộng mô hình “Camera giám sát, đảm bảo ANTT” trên địa bàn huyện Đại Từ, là việc làm thật sự cần thiết và phù hợp với bối cảnh hiện nay, góp phần tích cực trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh, xử lý tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật khác, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Trong thời gian tới, lực lượng Công an huyện Đại Từ tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng các mô hình tự quản về an ninh, trật tự, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, trong đó có mô hình “Camera giám sát, đảm bảo ANTT”, góp phần chuyển hóa các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, an toàn xã hội để mọi người dân trong toàn huyện có cuộc sống bình yên./.

Trần Thu Trang

Công an huyện Đại Từ nhận thưởng nóng về thành tích xuất sắc đột xuất

Ngày 02/6/2022, Công an huyện Đại Từ được UBND tỉnh Thái Nguyên, UBND huyện Đại Từ thưởng nóng 25.000.000 đồng về thành tích xuất sắc đột xuất trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm đe dọa giết người trên địa bàn huyện Đại Từ.

Với thành tích xuất sắc trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm đe dọa giết người xảy ra ngày 23/02/2022 tại xã Tiên Hội, huyện Đại Từ, chiều ngày 02/6/2022, tại trụ sở Công an huyện Đại Từ, thay mặt lãnh đạo Tỉnh, lãnh đạo Huyện, đồng chí Phạm Duy Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, Bí thư Huyện ủy Đại Từ và đồng chí Đại tá Nguyễn Văn Tài, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên đã chúc mừng, biểu dương tập thể Công an huyện Đại Từ về các thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm trên điạ bàn huyện.

Cũng nhân dịp này, đồng chí Phạm Duy Hùng và đồng chí Đại tá Nguyễn Văn Tài đã thay mặt UBND tỉnh, UBND huyện trao thưởng 25.000.000 đồng cho tập thể Công an huyện Đại Từ.

Chia sẻ về thành tích của tập thể đơn vị, đồng chí Thượng tá Trần Minh Cường, Trưởng Công an huyện Đại Từ bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên, Thường trực Huyện ủy Đại Từ, sự phối hợp chặt chẽ của các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, các ban, ngành trên địa bàn huyện và sự đồng lòng, quyết tâm của tập thể cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị, sự ủng hộ của quần chúng nhân dân địa phương. Mong muốn trong thời gian tới, Công an huyện Đại Từ sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, sự phối hợp của các cấp, các ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự địa bàn.

Thành tích trong đấu tranh phòng ngừa tội đe dọa giết người vừa qua là một trong những thành tích tiêu biểu và điển hình trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của Công an huyện Đại Từ./.

Cảnh giác với hành vi xin, yêu cầu chụp ảnh Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên xuất hiện một nhóm đối tượng xin chụp ảnh Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân (CCCD/CMND) sau đó trả phí cho người dân 50.000 đồng đến 100.000 đồng hoặc thông báo tuyển cộng tác viên.

Để phòng ngừa những đối tượng lấy thông tin của người dân phục vụ mục đích xấu. Công an huyện Đại Từ khuyến cáo người dân KHÔNG cho các đối tượng chụp ảnh CCCD/CMND.

Thẻ CCCD gắn chíp: Mã QR và chip trên thẻ CCCD chứa rất nhiều thông tin cá nhân mà tội phạm công nghệ cao có thể lợi dụng để trục lợi. Tuy nhiên, hiện nay nhiều công dân vẫn “vô tư” chia sẻ hình ảnh CCCD của mình trên mạng xã hội.

Hành vi chia sẻ đó tiềm ẩn nguy cơ tiết lộ thông tin cá nhân, bằng vào mã QR hoặc thông tin in trên thẻ CCCD là biết rõ thông tin cá nhân của công dân. Từ những thông tin đó, các đối tượng xấu có thể dễ dàng lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Các đối tượng có thể dùng hình ảnh CCCD/CMND được chia sẻ trên mạng đăng ký tài khoản ngân hàng, hoặc vay tiền qua ứng dụng trên điện thoại; dùng để đăng ký số điện thoại trả sau và có thể dùng để đăng ký mã số thuế ảo…

Hiện nay, có rất nhiều ứng dụng cho vay tiền online chỉ cần chụp hình ảnh CCCD/CMND hai mặt là có thể được giải quyết hợp đồng vay tiền và giải ngân một cách nhanh chóng. Vì vậy, các đối tượng xấu thường tìm cách lấy thông tin cá nhân của người khác, sau đó chụp ảnh và gửi vào những ứng dụng này để vay tiền nhằm chiếm đoạt tài sản. Các ứng dụng cho vay tiền online này có ưu điểm là thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh, nhưng có nhược điểm lớn nhất đó là bỏ qua khâu xác minh chính chủ, hoặc có xác minh nhưng quá trình xác minh rất sơ sài, từ đó tạo sơ hở và kẽ hở cho những đối tượng khác có cơ hội để chiếm đoạt tiền thông qua hợp đồng vay.

Cũng đã có rất nhiều người bị lợi dụng sử dụng hình ảnh CCCD/CMND hai mặt để đăng ký thuê bao trả sau của các nhà mạng, sau đó thực hiện những cuộc gọi quốc tế, hoặc thực hiện các cuộc gọi trong nước một cách vô tội vạ. Bên cạnh đó, có rất nhiều công ty ảo hoạt động không có nhân viên, thường mua lại ảnh CCCD/CMND của người khác đăng ký mã số thuế ảo cho nhân viên công ty nhằm qua mặt cơ quan chức năng.

Cũng có nhiều công ty chọn hình thức ra thông báo tuyển dụng nhân sự không giới hạn số lượng với mức lương cao để thu hút người khác nộp hồ sơ xin việc, nhưng cuối cùng thì họ đều thông báo không trúng tuyển, sau đó lấy ảnh CCCD/CMND của người xin việc đó dùng để đăng ký mã số thuế ảo…

Nếu có hiện tượng trên xảy ra trên địa bàn của mình đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác và báo cáo ngay với cơ quan công an gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời./.

Công bố thủ tục hành chính ban hành mới, sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an

Ngày 10/5/2022, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định số 3191/QĐ-BCA về việc công bố thủ tục hành chính ban hành mới, sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an; theo đó, Bộ Công an ban hành mới 07 thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung 101 thủ tục hành chính trên lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh; đăng ký, quản lý con dấu; quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

1. Đối với các thủ tục hành chính ban hành mới: Bộ Công an công bố 07 thủ tục hành chính được ban hành mới trên lĩnh vực đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an cấp xã (theo quy định tại Thông tư số 15/2022/TT-BCA ngày 06/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an); theo đó, Công an cấp xã được phân cấp đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), gồm các thủ tục: (1)Đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy lần đầu; (2)Đăng ký sang tên xe mô tô, xe gắn máy trong điểm đăng ký; (3)Đăng ký xe mô tô, xe gắn máy từ điểm đăng ký xe khác chuyển đến; (4)Đổi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe mô tô, xe gắn máy; (5)Cấp lại giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe mô tô, xe gắn máy; (6)Đăng ký tạm thời xe mô tô, xe gắn máy; (7)Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe.

2. Đối với các thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung: Bộ Công an công bố 101 thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; theo đó:

– Thủ tục hành chính thực hiện tại cấp Trung ương gồm 47 thủ tục thuộc lĩnh vực: Quản lý xuất nhập cảnh (01 thủ tục); Đăng ký, quản lý con dấu (05 thủ tục); Quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự (03 thủ tục); Quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo (38 thủ tục).

– Thủ tục hành chính thực hiện tại Công an cấp tỉnh gồm 42 thủ tục thuộc lĩnh vực: Quản lý xuất nhập cảnh (01 thủ tục); Đăng ký, quản lý con dấu (05 thủ tục); Quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự (03 thủ tục); Đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (07 thủ tục); Quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo (26 thủ tục).

– Thủ tục hành chính thực hiện tại Công an cấp huyện gồm 11 thủ tục thuộc lĩnh vực: Quản lý xuất nhập cảnh (01 thủ tục); Quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự (03 thủ tục); Đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (07 thủ tục).

– Thủ tục hành chính thực hiện tại Công an cấp xã gồm 01 thủ tục thuộc lĩnh vực Quản lý xuất nhập cảnh.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/5/2022.

Lực lượng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc – 55 năm xây dựng và trưởng thành

1. Nhân dân cội nguồn sức mạnh trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ)

Quán triệt những tư tưởng, nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin, kế thừa truyền thống đoàn kết qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc và thực tiễn cách mạng nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò, sức mạnh vô địch của Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng nói chung và bảo vệ an ninh, trật tự nói riêng: Nhân dân là gốc; đoàn kết toàn dân là nền tảng sức mạnh, là động lực to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta khẳng định: “Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân, lực lượng và thế trận an ninh nhân dân”; “Thực hiện tốt công tác vận động quần chúng tạo nền tảng xây dựng “thế trận lòng dân” gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh dân dân vững chắc”; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định một trong những bài học kinh nghiệm lớn từ thực tiễn cách mạng Việt Nam là: “…Sự nghiệp cách mạng là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Chính Nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử”; Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn ai hết, không ai chiến thắng được lực lượng đó”, “Trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân, trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”, “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân… Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh”.

Nhất quán quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”: Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương quan trọng, phát động nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động Nhân dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Chỉ thị số 186- CT/TW ngày 17/02/1960 của Ban Bí thư Trung ương Đảng nêu rõ: “Phong trào bảo vệ trị an là một cuộc vận động quần chúng rộng rãi, nhằm giáo dục quần chúng đảm đương lấy sự nghiệp bảo vệ thành quả cách mạng và bảo vệ an toàn cho đời sống hàng ngày. Đó là hình thức tốt nhất để phát huy tích cực của quần chúng trong công tác đấu tranh chống kẻ địch, để giữ gìn trật tự chung”. Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” nêu rõ: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả, nhằm giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân, góp phần phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tiếp tục nhấn mạnh: “Xây dựng thế trận lòng dân, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân…”(5). Điều đó khẳng định sự quan tâm đặc biệt và đánh giá cao vai trò, sức mạnh to lớn của quần chúng Nhân dân, các đoàn thể chính trị trong sự nghiệp đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Quán triệt những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an luôn khẳng định: sức mạnh của Công an nhân dân bắt nguồn từ sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là một trong những phong trào cách mạng của Đảng, là nội dung quan trọng của “Biện pháp vận động quần chúng”, là biện pháp cơ bản, chiến lược của ngành Công an. Làm tốt công tác vận động quần chúng là điều kiện cơ bản để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ trên lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự; để tập hợp, thu hút, hướng dẫn, nâng cao năng lực của Nhân dân trong giải quyết những yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ ANTT…tạo thế phòng ngừa xã hội, làm nền tảng, tạo điều kiện cho lực lượng Công an tập trung triển khai sâu rộng phòng ngừa nghiệp vụ, phòng chống tội phạm, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh.

2. Sự phát triển, lớn mạnh của phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ luôn gắn liền với sự phát triển, lớn mạnh của Công an nhân dân

Trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của lực lượng Công an cách mạng luôn gắn liền với những hình thức, tổ chức và tập hợp quần chúng thành các phong trào cách mạng rộng lớn, đem lại sức mạnh để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vượt qua những khó khăn, thách thức, có lúc hiểm nghèo, giữ vững thành quả cách mạng; thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, thống nhất Tổ quốc; tiến hành công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế.

Trước cánh mạng tháng 8/1945, các phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân phát triển dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú vừa bí mật, vừa công khai trên khắp các địa bàn nông thôn, thành thị, nhà máy, đấu tranh với các mục tiêu dân tộc, dân chủ. Các đội tự vệ được thành lập để bảo vệ Nhân dân trong quá trình đấu tranh cách mạng, như “Đội tự vệ đỏ” trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 – 1931) được thành lập để hỗ trợ, bảo vệ quần chúng nổi dậy, phá nhà giam, đốt huyện đường, vây đồn lính, bắt giữ bọn hào lý, làm tan rã từng mảng chính quyền tay sai của đế quốc ở cơ sở; bảo vệ các phiên toà xét xử bọn phản cách mạng; giữ gìn an ninh, trật tự ở những nơi có chính quyền Xô Viết.

Cách mạng tháng 8/1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được thành lập, lực lượng Công an cách mạng tuy còn non trẻ, song đã quán triệt và vận dụng sáng tạo các quan điểm, đường lối quần chúng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, dựa vào Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc để tuyên truyền vận động Nhân dân hăng hái tham gia các tổ chức như: “Việt Dũng thanh niên đoàn”, “Việt nữ đoàn”, “Cảnh sát danh dự không lương”… sát cánh cùng lực lượng Công an làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, đấu tranh quyết liệt với các thế lực thù địch, các loại phản động và tội phạm, bảo vệ an toàn Lễ Tuyên ngôn độc lập (02/9/1945), bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ trước sự đe doạ của thù trong, giặc ngoài trong tình thế đất nước: “Ngàn cân treo sợi tóc”.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với Quân đội nhân dân, đoàn, hội kháng chiến tham mưu cho Đảng, Chính phủ chỉ đạo, tổ chức vận động Nhân dân thực hiện cuộc vận động với khẩu hiệu “3 không”, nội dung phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền chiến lược: Ở vùng căn cứ địa Việt Bắc và vùng tự do là: “Không nghe, không biết, không thấy; ở vùng địch tạm chiếm là: Không làm việc cho địch, không bán lương thực cho địch, không chỉ đường cho địch”. Ở Nam Bộ phát động Nhân dân tham gia phong trào “Ngũ gia liên bảo” để bảo vệ an ninh, trật tự thôn, xóm. Các cuộc vận động trên đã nâng cao cảnh giác cho Nhân dân, “bưng tai bịt mắt quân thù” và đã nhanh chóng phát triển ra toàn quốc thành phong trào “Phòng gian bảo mật” với nội dung cụ thể: Bảo vệ bí mật, tài sản của Đảng, Nhà nước, bảo vệ nội bộ, bảo vệ trị an xã hội. Nhân dân đã giúp đỡ lực lượng Công an đấu tranh ngăn chặn kịp thời các hoạt động phá hoại của địch và âm mưu lập “Xứ Nùng”, “Xứ Thái”, “Xứ Mường”, tự trị…ở miền núi phía Bắc và lập “Nước Tây kỳ tự trị”, “Nước Nam kỳ tự trị” ở phía Nam…đỉnh cao là góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (ngày 07/5/1954), buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Giơnevơ, lập lại hoà bình ở Đông Dương.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc hoàn toàn giải phóng bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Lực lượng Công an đã tham mưu phục vụ Đảng, Chính phủ, Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo tổ chức vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Ở miền Bắc, Trung ương Đảng phát động phong trào “Bảo vệ trị an” ở ngoài xã hội và mở cuộc vận động “Bảo mật phòng gian” trong các cơ quan, xí nghiệp; Chính phủ ban hành Thông tư về thành lập các tổ chức bảo vệ cơ quan, xí nghiệp. Ở miền Nam, Trung ương Cục miền Nam đã chỉ đạo đẩy mạnh phong trào “Bảo mật phòng gian” ở cả 3 vùng chiến lược và thành lập “Hội đồng bảo vệ an ninh xã, ấp”. Phong trào “Bảo vệ trị an”, “Bảo mật phòng gian” phát triển mạnh mẽ, gắn với phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam. Nhiều điển hình tiên tiến xuất hiện, như các xã: Yên Phong (Ninh Bình), Hưng Khánh (Hưng Yên), Thanh Bình (Lào Cai), Quang Chiểu (Thanh Hoá); Khối 30, khu Đống Đa (Hà Nội)… Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huấn thị “Phong trào Bảo vệ trị an đối với Nhân dân phải trở thành vườn hoa, đối với địch phải trở thành hầm chông. Phải ra sức phát động quần chúng tham gia phong trào “Bảo vệ trị an”.

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975), Bộ Công an tham mưu Đảng, Nhà nước thống nhất các phong trào, cuộc vận động Nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trong toàn quốc thành phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đồng thời lực lượng Công an các cấp đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tham mưu phục vụ cấp uỷ Đảng, chính quyền tổ chức, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Phong trào đã có bước phát triển khá sâu rộng, với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú; phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, cụ thể của từng vùng, từng khu vực, từng lĩnh vực, từng địa bàn cụ thể; nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến xuất sắc được nhân rộng trong toàn quốc. Phong trào đã phát huy năng lực sáng tạo của cơ sở, khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của toàn dân trong phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

3. Những chặng đường lịch sử 55 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng chuyên trách Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ

Ngày 16/6/1967, Bộ Công an ban hành Quyết định số 426/QĐ về việc thành lập “Phòng theo dõi phong trào Bảo vệ trị an và Xây dựng lực lượng Công an xã” gọi tắt là “Phòng theo dõi xã”, đây là tổ chức chuyên trách đầu tiên trực thuộc Bộ trưởng Bộ Công an, có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng chỉ đạo lực lượng Công an các cấp thực hiện phương hướng, nội dung, biện pháp vận động Nhân dân tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh chống mọi âm mưu hoạt động của bọn phản cách mạng, các loại tội phạm khác và chỉ đạo việc xây dựng lực lượng Công an xã. Ngày 16/7/2007, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 916/2007/QĐ-BCA (X11) xác định ngày 16/6 hằng năm là Ngày truyền thống của lực lượng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Trải qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Công an và cấp ủy, chính quyền các cấp nhiều chủ trương, biện pháp quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực về công tác vận động toàn dân bảo vệ ANTQ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng, nổi bật là:

Đã tham mưu thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 92-CT/TW ngày 26/6/1980 của Ban Bí thư về cuộc vận động “Xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh và đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ trong tình hình mới”. Tham mưu Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong thời kỳ mới”; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Công an xã; Chính phủ ban hành Nghị định số 06/NĐ-CP, ngày 21/01/2014 quy định biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; Nghị định số 42/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 quy định việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy và các Nghị định về Công an xã, Bảo vệ dân phố, Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 521/QĐ-TTg ngày 13/6/2005 quy định ngày 19 tháng 8 hằng năm là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an ban hành 08 Chỉ thị, 05 Thông tư của Bộ Công an và hàng trăm văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân và công tác Công an thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở cơ sở được nâng cao, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân trên lĩnh vực an ninh, trật tự, phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và địa phương trong từng thời kỳ cách mạng.

Tham mưu phục vụ lãnh đạo Bộ Công an và cấp uỷ, chính quyền các cấp tập trung xây dựng phong trào ở các địa bàn chiến lược, biên giới, biển đảo, vùng dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo, các khu kinh tế tập trung và các khu đô thị lớn. Tham mưu tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để trao đổi kinh nghiệm công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự; công tác tổ chức ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức vận động toàn dân tham gia thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng chống ma tuý, phòng chống mua bán người; ban hành kế hoạch mở cuộc vận động “Toàn dân tham gia quản lý, giáo dục, cảm hoá người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư”…

Tham mưu và phục vụ lãnh đạo Bộ quan tâm chỉ đạo sơ kết, tổng kết công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; qua tổng kết thực tiễn, rút ra những bài học kinh nghiệm, là cơ sở để đề ra những các văn bản chỉ đạo công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, công tác dân vận của lực lượng CAND; Đẩy mạnh nhân điển hình tiên tiến phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ thời kỳ đổi mới (1986 – 2000), phát động “Phong trào học tập, đuổi kịp và vượt điển hình tiên tiến phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ”. Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến phù hợp, mang lại hiệu quả cao với từng vùng, từng lĩnh vực, chuyên đề được chỉ đạo nhân rộng. Một số mô hình được nhân rộng toàn quốc như: “Xây dựng cụm liên kết bảo vệ an ninh trật tự”, “Xây dựng xã, phường, cơ quan, đơn vị, nhà trường an toàn không có tội phạm, không có ma túy”, “Khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về an ninh, trật tự”… Các mô hình, điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát triển đa dạng, phong phú, thiết thực có hiệu quả, mang tính xã hội hóa cao, đã phát huy được vai trò làm chủ, tính tích cực của nhân dân trong phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật; là cơ sở để xây dựng củng cố thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân.

Tham mưu phục vụ lãnh đạo Bộ chỉ đạo tăng cường, củng cố lực lượng chuyên trách làm công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; lực lượng nòng cốt và các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: cơ cấu lãnh đạo, chỉ huy, hệ thống tổ chức, bố trí cán bộ của lực lượng chuyên trách xây dựng phong trào được quan tâm củng cố, kiện toàn từ Bộ đến Công an cấp huyện. Lực lượng nòng cốt và các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Công an viên thôn, Bảo vệ dân phố, Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp) từng bước được củng cố, kiện toàn về cơ sở pháp lý, bộ máy tổ chức; hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, phát huy được vai trò nòng cốt bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Tham mưu phục vụ lãnh đạo Bộ Công an tăng cường phối hợp chặt chẽ với Ban Dân vận Trung ương, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, ký kết, tổng kết nhiều nghị quyết liên tịch, kế hoạch, chương trình phối hợp nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Từ thực tiễn thực hiện các nghị quyết liên tịch, đã tham mưu kiện toàn Ban Chỉ đạo theo hướng tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương (Ban Chỉ đạo thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở Trung ương và Ban Chỉ đạo phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội từ tỉnh đến xã).

Ghi nhận những thành tích xuất sắc của lực lượng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã quyết định tặng Huân chương chiến công hạng nhất (năm 1985), Chủ tịch nước tặng Huân chương Quân công hạng ba cho Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (năm 2012) và hàng nghìn lượt tập thể, cá nhân thuộc lực lượng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc từ Trung ương đến địa phương được tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công an và các cấp có thẩm quyền./.

Nguồn: Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 55 năm Ngày Truyền thống lực lượng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (16/6/1967 – 16/6/2022)